Vinatex bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030
Ngày 16/6 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. TS. Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex chủ trì và điều hành Đại hội.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Vinatex
Cùng dự có ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – TV HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex; bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo HĐQT, Cơ quan điều hành, các Ban chức năng của Tập đoàn và các cổ đông sở hữu đại diện cho 86,77% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội. Đến dự Đại hội còn có ông ông Nguyễn Chí Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) – đại diện các cổ đông lớn của Vinatex.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu báo cáo kết quả SXKD năm 2024, kế hoạch năm 2025
Báo cáo kết quả SXKD năm 2024, kế hoạch năm 2025, ông Cao Hữu Hiếu – TV HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, năm 2024 doanh thu hợp nhất của Vinatex đạt 18.368 tỷ đồng, đạt 102,6% kế hoạch năm, bằng 104,3% so với cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 835 tỷ đồng, bằng 151,8% kế hoạch năm và bằng 155% cùng kỳ 2024; Với công ty Mẹ, doanh thu năm 2024 đạt 2.241 tỷ đồng, bằng 108,3% kế hoạch năm và bằng 111,6% cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế công ty Mẹ đạt 156 tỷ đồng, bằng 104,2% kế hoạch năm và bằng 116,8% năm 2024.
Để có được kết quả khả quan trên, theo Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, ngoài các yếu tố về thị trường như: nhu cầu nhập khẩu dệt may tăng tại một số thị trường trọng điểm (Mỹ, EU), dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc và một số quốc gia cạnh khác do bất ổn chính trị, chi phí logistics giảm sâu từ đỉnh tháng 7/2024… thì vai trò tiên quyết là nhờ vào năng lực nội sinh của Vinatex với 3 yếu tố gồm:
(1) Vinatex tập trung vào công tác quản trị, khai tác tốt năng lực sản xuất hiện tại:
- Ngành Sợi: Khai thác năng lực sản xuất gần 66 vạn cọc sợi, quy mô đủ lớn tạo lợi thế về sản lượng và khả năng đấp ứng đơn hàng lớn; Dải sản phẩm rộng, đủ khả năng đấp ứng nhu cầu tỏng hệ thống và trên thị trường;
- Ngành Dệt: Năng lực sản xuất vải dệt kim 8.500 tấn/năm, dệt thoi 69 triệu mét/năm. Chủ động phát triển chuỗi giá trị khép kín, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn;
- Ngành May: Khai thác tối đa công suất thiết kế, sẵn sàng mở rộng năng lực khi thị trường hồi phục; Đổi mới năng lực quản trị, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu khách hàng đối với đơn hàng khó, nhỏ lẻ, yêu cầu giao nhanh;
(2) Vinatex cũng chủ động nắm bắt thông tin thị trường, từ khâu dự báo đến kết nối chuỗi giá trị trong hệ thống: Thiết lập hệ thống cung cấp thông tin thị trường định kỳ hàng tháng, các hội thảo, bản tin, video clip… giúp doanh nghiệp hành động kịp thời, điều chỉnh kế hoạch theo tín hiệu thị trường; Lần đầu tiên Vinatex phát hành ấn phẩm dự báo thị trường làm căn cứu xây dựng kế hoạch SXKD toàn Tập đoàn – thống nhất chiến lược kinh doanh năm 2025; Các Ban SXKD Sợi và May đóng vai trò rõ rệt hơn trong định hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh từng ngành, phù hợp biến động thị trường;
(3) Vinatex phát triển đội ngũ kế cận và sử dụng chung hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao của Tập đoàn:
- Tăng cường năng lực nhân sự quản lý tại công ty Mẹ và các đơn vị, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao; đào tạo, luân chuyển cán bộ trong hệ thống để hỗ trợ các đơn vị yếu; Xây dựng lớp cán bộ trẻ kế cận,định hướng quy hoạch sớm, đào tạo thực chiến tại đơn vị;
- Tổ chức 5 lớp đào tạo nội bộ với 379 cán bộ tại Tập đoàn và doanh nghiệp thành viên tham dự; Tăng cường năng lực quản lý doanh nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn, quản trị sản xuất trên cơ sở thực tế tại đơn vị;
- Áp dụng phương thức đánh gía mới: 360 độ kết hợp đánh giá phỏng vấn 1-1, lần đầu tiên Vinatex có dữ liệu phản hồi đa chiều nhằm đánh giá và xác định cán bộ tiềm năng để đào tạo, bồi dưỡng; Quan tâm đến định hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp với điểm mạnh – điểm yếu của mỗi cá nhân.
(4) Vinatex tiếp tục xây dựng nền tảng quản trị số, đảm bảo minh bạch và thông suốt:
- Công ty Mẹ cung cấp nền tảng quản trị số cho ngành Sợi: Chuẩn hóa cách vận hành – khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có; Giải pháp được cải tiến liên tục để đáp ứng quản trị hiện đại.
- Các giải pháp quản trị nhân sự và tài chính được cập nhật liên tục: Nâng cấp phần mềm quản lý nguồn nhân lực và tài chính kế toán. Góp phần minh bạch hóa dữ liệu và chuẩn hóa điều hành.
- Power BI trở thành công cụ trung tâm trong quản trị và ra quyết định: Xây dựng dashboard thông minh; Thay thế báo cáo truyền thống bằng hệ thống báo cáo trực quan, thức thời.
(5) Vinatex xây dựng năng lực cạnh tranh mới: phát triển sản phẩm khác biệt có giá trị gia tăng cao và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng: Năm 2024, Vinatex và Tập đoàn Coats (Anh Quốc) ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác sản xuất thử nghiệm sản phẩm vải chống cháy. Năm 2025, dự kiến quy mô đơn hàng tối thiểu đạt 5 triệu USD. Cùng với đó, tháng 7/2024, Vinatex cũng thành lập Trung tâm phát triển sản phẩm và Kinh doanh Vinatex (Vinatex PD&B) với mục tiêu trở thành đầu kéo, kết nỗi chuỗi giá trị dệt may trong Tập đoàn.
Mặc dù tình hình đơn hàng có nhiều cải thiện, nhưng năm 2025, thị trường dệt may lại trở nên bất định khi các yếu tố về kinh tế toàn cầu, thị trường dệt may liên tục bất ổn, xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang. Với việc nhiều quốc gia bị Mỹ áp thuế đối ứng, cộng gộp trên nền thuế nhập khẩu MFN đang áp dụng, nhu cầu dệt may có thể bị suy giảm khi Mỹ là quốc gia nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Với những yếu tố trên, những dự báo trong trung và dài hạn trở nên khó đoán định gây ra nhiều khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Năm 2025, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 18.315 tỷ đồng, tương đương năm 2024; Lợi nhuận trước thuế 910 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2024; Với Công ty Mẹ, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu 2.440 tỷ đồng, tăng 9% năm 2024; Lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2024.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, để thực hiện được mục tiêu thách thức trên, Vinatex sẽ tập trung vào 7 nhóm giải pháp nhằm ổn định thị trường – tăng hiệu quả và sản phẩm khác biệt, cụ thể:
- Ổn định thị trường xuất khẩu: Giữ vững đơn hàng từ Mỹ, Nhật, EU; Khai thác thêm thị trường mới; Tránh mất thị phần do cạnh tranh giá rẻ.
- Tận dụng đối đa năng lực sản xuất hiện có, kiểm soát hiệu quả: Tối ưu hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, tăng năng suất; Kiểm soát tốt chi phí, giảm tiêu hao; Sử dụng dashboard để quản trị sản xuất.
- Phát triển sản phảm đặc biệt: Ưu tiên sản phẩm kỹ thuật – chống cháy; Gắn R&D với nhu cầu thực tế, đơn hàng thực; Phát huy lợi thế đơn vị có năng lực sản xuất phù hợp.
- Số hóa và hiện đại hóa điều hành: Tiếp tục nâng cao các giải pháp quản trị số (sợi, may, tài chính, nhân sự); Kết nối dự liệu với Power BI để giảm phụ thuộc vào báo cáo giấy; Tăng tính tức thời, minh bạch và hiệu quả điều hành.
- Tái cơ cầu chuỗi cung ứng và logistics: Mua chung, đàm phán vận chuyển, và chủ động nguồn; Đầu tư vào các khâu còn yếu như nhuộm, giao nhận; Tăng cường liên kết chuỗi từ sợi sang may.
- Quản trị tài chính chặt chẽ: Dự báo và kiểm soát dòng tiền theo tuần; Theo dõi công nợ theo nhóm rủi ro; Lập ngân sách với 2-3 kịch bản bám sát thị trường.
- Xây dựng đội ngũ và chuyển giao thế hệ: Quy hoạch sớm cán bộ kế cận, đào tạo đáp ứng yêu cầu công tác; Đào tạo gắn với luân chuyển và đánh giá kết quả; Sẵn sàng đội ngũ để tiếp nhận các vị trí lãnh đạo giai đoạn 2026-2027.
TS Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex tổng kết hoạt động của HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025
Tổng kết hoạt động của HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025, TS Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, giai đoạn 2020 – 2025 là giai đoạn có nhiều biến động của nền kinh tế thế giới. Dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu trong 3 năm 2020 – 2022 đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thương mại đình trệ, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nhất là năm 2020 GDP toàn cầu giảm 4,9% – mức thấp nhất kể từ đại suy thoái. Cùng với đó, bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 lại xảy ra xung đột địa chính trị tại nhiều khu vực, nhất là cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã kéo theo giá năng lượng, lương thực tăng cao. Đây là cũng thời điểm các nền kinh tế lớn xảy ra lạm phát cao, các Ngân hàng TW đều thực hiện các chính sách siết chặt tiền tệ, gây ra nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trên toàn cầu. Bước sang năm 2025, môi trường kinh doanh tiếp tục bất ổn do căng thẳng định chính trị và bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, nhất là căng thẳng Mỹ – Trung, xung đột tại khu vực Trung Đông…
Trước những biến động lớn của nền kinh tế thế giới, HĐQT Vinatex đã có những chỉ đạo kịp thời tới Cơ quan điều hành nhằm vận hành ổn định và có hiệu quả hoạt động SXKD. Theo đó, tổng tài sản của Vinatex năm 2024 so với 2020 tăng 1,9%; Vốn chủ sở hữu tăng 3,7%; Doanh thu hợp nhất tăng trưởng bình quân 6%; Lợi nhuận hợp nhất tăng 30,8%; Doanh thu công ty Mẹ tăng 11,6%; Lợi nhuận công ty Mẹ tăng 16,2%… Tổng cổ tức đã chia 1.050 tỷ đồng, tương đương gần 21% vốn điều lệ; Tài chính được duy trì lành mạnh, ổn định, ROE bình quân 10,2%/năm.
Theo TS. Lê Tiến Trường, đúc kết trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 có 4 yếu tố thành công là: (1) Điều hành chủ động, linh hoạt dựa trên dữ liệu tin cậy; (2) Hệ thống KPIs, chuẩn đối sánh; (3) Cơ chế tập hợp những cách làm tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất; (4) Ra quyết định dựa trên dự báo, chấp nhận rủi ro có cân nhắc; và 3 bài học kinh nghiệm: (1) Vốn trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng; (2) Sản phẩm, thị trường, phương thức kinh doanh phải đổi mới liên tục; (3) Nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp cốt lõi.
Ông Nguyễn Chí Thành – Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu tại Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Chí Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ghi nhận và đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành của HĐQT, CQĐH, sự đồng lòng, đoàn kết và quyết tâm cao toàn bộ lực lượng lao động toàn Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong bối cảnh nhiệm kỳ qua có rất nhiều biến động, bất lợi từ những yếu tố khách quan nhưng tập thể HĐQT và CQĐH Vinatex đã linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp quản trị phi truyền thống để vượt qua được những khó khăn của thị trường, liên tục trong nhiều năm hoàn thành các chỉ tiêu về SXKD. Đặc biệt, duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong kết quả SXKD, bảo toàn được lực lượng lao động, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho toàn bộ người lao động.
Với vai trò là cổ đông đại diện sở hữu phần vốn Nhà nước của Vinatex, SCIC cam kết thông qua cơ chế Người đại diện vốn để cùng đồng hành với HĐQT, hỗ trợ CQĐH Tập đoàn đạt được các mục tiêu đặt ra trong thời gian tới. Đồng thời, SCIC tin tưởng với nhóm Người đại diện vốn tại Vinatex sẽ có những sáng tạo, đổi mới trong giai đoạn tiếp theo khi những yếu tố bất lợi về địa chính trị, bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu.
“Theo báo cáo của Chủ tịch HĐQT Vinatex, nhiều kết quả hoạt động của HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã tạo ra giá trị khác biệt so với nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tuy nhiên, SCIC mong muốn Vinatex tiếp tục phối hợp, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn tại một số đơn vị thành viên của Tập đoàn bằng các nhóm giải pháp đồng bộ hơn. Cùng với đó, các nhóm cổ đông lớn của Vinatex cũng có thể cùng phân tích, phát hiện những điểm tạo đột phá trong giải pháp trung và dài hạn dựa trên năng lực nội tại của Tập đoàn, đảm bảo năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động. Hiện nay, với các biến động đầu vào, đặc biệt là chính sách thuế của Mỹ chưa ngã ngũ, việc xây dựng kế hoạch trung và dài hạn cho nhiệm kỳ 2025 – 2030 thời điểm hiện nay là chưa khả thi. Do đó, với vai trò là cổ đông lớn, SCIC cam kết sẽ có tham mưu với Chính phủ, Bộ Tài chính và những Bộ ngành hữu quan để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển” – Chủ tịch HĐTV SCIC nhấn mạnh.
Các cổ đông tham dự Đại hội bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030
Đại hội đã bầu cử thành công 7 đồng chí là thành viên HĐQT và 5 đồng chí là thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030. HĐQT tiếp tục tín nhiệm bầu TS. Lê Tiến Trường giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Trần Quang Nghị giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu giữ chức Tổng Giám đốc Vinatex; bầu bà Trần Thị Thu Hằng giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát Vinatex nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Ra mắt HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030
Đại hội biểu quyết thông qua các Tờ trình
Tại Đại hội, các cổ đông tham dự cũng đã biểu quyết thông qua Tờ trình phê duyệt báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024 và kế hoạch SXKD năm 2025; Tờ trình về việc phân phối lợi nhuận 2024; Tờ trình về việc thông qua tiền lương, thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2024 và kế hoạch năm 2025; Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động; Quy chế nội bộ về quản trị Vinatex; Quy chế hoạt động của HĐQT, quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát; Tờ trình về việc thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2025.
Lãnh đạo Tập đoàn và đại diện cổ đông lớn chụp ảnh lưu niệm
PV