Hội đồng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sơ kết hoạt động học kỳ 1 và bầu Chủ tịch Hội đồng thành viên nhiệm kỳ 2025 – 2030


Chiều 15/4, Hội đồng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ 1; xây dựng phương hướng, nhiệm kỳ học kỳ 2 năm học 2024 – 2025.

Tham dự chương trình có TS. Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, cùng các thành viên trong Hội đồng Trường nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Dệt may là ngành nghề chịu sự tác động cao từ các yếu tố bên ngoài như biến động địa chính trị, kinh tế. Với vai trò là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn phản ánh đúng hơi thở phát triển của ngành. Khi ngành ổn định và tăng trưởng, công tác tuyển sinh của trường cũng thuận lợi, thu hút đông đảo người học; ngược lại, khi ngành gặp khó khăn, công tác tuyển sinh cũng chịu tác động. Điều này đòi hỏi nhà trường phải liên tục cập nhật, linh hoạt thích ứng với các biến động của bối cảnh trong và ngoài nước, nhất là trong giai đoạn thực hiện cơ chế tự chủ toàn phần.

Năm học 2024 – 2025, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có nhiều thuận lợi khi công tác tuyển sinh khởi sắc, nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), mở ra cơ hội tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu đào tạo từ các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, Trường cũng phải đối mặt với nhiều áp lực như xu hướng giảm lao động ngành dệt may, đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, việc ứng dụng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong giáo dục còn nhiều khó khăn, công tác quảng bá đào tạo ngắn hạn chưa hiệu quả, nội lực của trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới ở bậc đại học.

 

Hội nghị diễn ra tại Hội trường Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Trong giai đoạn mới 2025 – 2030, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có nhiều cơ hội phát triển. Với bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA lớn, thúc đẩy hội nhập quốc tế và sự ưu tiên dành cho ngành dệt may, trường sẽ có cơ hội mở rộng đào tạo và nghiên cứu. Xu hướng chuyển đổi số và sử dụng sản phẩm xanh giúp Trường nhận được nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ; số lượng học sinh tốt nghiệp THPT gia tăng khiến nguồn tuyển sinh dồi dào… Tuy nhiên, Trường cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn mới như, số lượng lao động trong doanh nghiệp dệt may có xu thế giảm khiến thị trường tuyển sinh ngành công nghệ may từ thí sinh THPT suy giảm; học phí chưa cạnh tranh; đội ngũ giảng viên còn hạn chế về trình độ và năng lực ngoại ngữ, chưa cập nhật nhanh các xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phương thức đào tạo mới; cơ sở vật chất xuống cấp, hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu…

Đứng trước những vấn đề trên, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội xác định nhiệm vụ cụ thể và xây dựng 7 cụm giải pháp thực hiện đồng bộ, bao gồm: mở rộng tuyển sinh và truyền thông online tới các khách hàng, tổ chức là trường THPT, doanh nghiệp dệt may tại các vùng có khu công nghiệp hoặc mật độ doanh nghiệp dệt may lớn; nâng cao chất lượng học tập và chương trình đào tạo thông qua việc đảm bảo số lượng giảng viên, đẩy mạnh việc biên soạn giáo trình; tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, tự chủ tài chính; tổ chức đánh giá đảm bảo chất lượng qua chương trình kiểm định, củng cố và vận hành hiệu quả hệ thống; nỗ lực chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo; nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học.

Thông qua các báo cáo cụ thể, nhà trường đã nhận được nhiều ý kiến ​​đóng góp từ Hội đồng thành viên, đặc biệt là từ những thành viên có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo đại học và quản trị, điều hành doanh nghiệp dệt may.

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025 – TS. Lê Tiến Trường ghi nhận những kết quả tích cực mà Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đạt được sau 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ. Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh, nhà trường cần thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế nội tại và có những bước đi quyết liệt hơn, đặc biệt trong công tác tuyển sinh, đào tạo và ổn định đội ngũ giảng viên. Trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng cạnh tranh, nhà trường cần tập trung đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, thay đổi tư duy tiếp cận, hướng tới tự chủ toàn diện – coi đây là yếu tố sống còn. Lãnh đạo Tập đoàn đề xuất ba trụ cột ưu tiên: đảm bảo cơ sở vật chất tối thiểu, đội ngũ giảng viên đủ năng lực và chương trình đào tạo hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu thực tế. Cùng với đó, nhà trường cần chú ý phát triển sản phẩm đào tạo đột phá, “đóng gói” chương trình phù hợp với doanh nghiệp dệt may và đặt mục tiêu cao trong kiểm soát tài chính để phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Hội đồng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã bầu Chủ tịch Hội đồng Thành viên nhiệm kỳ mới 2025 – 2030. TS. Nguyễn Văn Đức – Phó Hiệu trưởng Trường đã nhận được 15/15 phiếu đồng ý. TS. Nguyễn Văn Đức có 7 năm kinh nghiệm làm thư ký Hội đồng Thành viên qua nhiều nhiệm kỳ, từng đảm nhận nhiều vị trí tại trường, từ công tác đào tạo đến các đơn vị liên quan. 100% thành viên cũng đồng thuận bầu đồng chí Nghiêm Thị Hoài làm thư ký nhiệm kỳ tiếp theo.

PV


Các tin khác